Gian lận trong đấu giá tài sản thì bị xử lý như thế nào?

15/11/2022 - 10:05 AM - 47 lượt xem
Đấu giá tài sản đang dần phổ biến ở Việt Nam vì đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho mọi người. Tuy vậy, bên cạnh những cuộc đấu giá công bằng, đúng nguyên tắc thì vẫn có những cuộc đấu giá có dấu hiệu gian lận, lừa đảo. Vậy những hành vi gian lận trong đấu giá tài sản là gì? Gian lận trong đấu giá tài sản thì bị xử lý như thế nào? Cùng xem ngay bài viết dưới đây nhé!!
 

Hành vi gian lận trong đấu giá tài sản là gì?

Hành vi gian lận trong đấu giá tài sản được hiểu là việc các tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi nhằm trục lợi, thông đồng, móc nối với người khác, gây cản trở, khó khăn cho quá trình đấu giá, làm mất tính công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu giá tài sản.

Theo quy định tại Điều 9, Luật Đấu giá tài sản 2016, quy định về các hành vi gian lận trong đấu giá tài sản bị pháp luật cấm như sau:

1. Đối với đấu giá viên tham gia đấu giá tài sản

Nghiêm cấm đấu giá viên tham gia đấu giá tài sản thực hiện các hành vi như sau:

  • Cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình;
  • Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi;
  • Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
  • Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật;
  • Vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên;
  • Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

2. Đối với tổ chức đấu giá tài sản

Nghiêm cấm tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các hành vi sau đây:

  • Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản;
  • Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
  • Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
  • Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi;
  • Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận;
  • Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

3. Đối với Hội đấu đấu giá tài sản

Nghiêm cấm Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện các hành vi sau đây:

  • Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
  • Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
  • Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi;
  • Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận.

4. Đối với người có tài sản đấu giá

Nghiêm cấm người có tài sản đấu giá thực hiện các hành vi sau đây:

  • Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
  • Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
  • Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.
đấu giá tài sản
Hình minh họa: Hành vi gian lận trong đấu giá tài sản là gì?

5. Đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác

Nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thực hiện các hành vi sau đây:

  • Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
  • Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
  • Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
  • Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
  • Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Vậy, khi phát hiện các hành vi vi phạm được nêu ở trên, người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi tiếp nội dung dưới đây của DauGia.Net!

Gian lận trong đấu giá tài sản thì bị xử lý như thế nào?

Những cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá tài sản nếu vi phạm một trong các hành vi được nêu ra ở mục trên sẽ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ nặng nhẹ theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại điều 218, Bộ Luật Hình sự 2015, các trường hợp gian lận trong đấu giá tài sản bị xử lý như sau:

Điều 218. Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá;
b) Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản;
c) Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, đối với những trường hợp gian lận, vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản thì có thể bị xử lý hành chính lên đến 300 triệu đồng hoặc bị xử lý hình sự (phạt tù) cao nhất lên đến 05 năm.

Các bài viết khác
Thông tin liên hệ
Chứng nhận bảo mật
Chấp nhận thanh toán
Fanpage Facebook
Copyright @ bản quyền thuộc về cpaauction.com.vn. Thiết kế website bởi Tất Thành
Tải ứng dụng