Đấu giá là gì?
Đấu giá được biết đến là phương pháp mua bán hàng hóa và dịch vị bằng cách xướng giá tối thiểu, sau đó để mọi người cùng trả giá, trường hợp người nào trả giá cao nhất người đó sẽ mua được hàng. Trong đó phương thức, trình tự và thủ tục đấu giá tài sản sẽ được thực hiện theo quy định của luật đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực thi hàng từ ngày 1/7/2017.
Tài sản nào bắt buộc phải thực hiện hình thức đấu giá
Theo Luật đấu giá tài sản năm 2016 và các quy định pháp luật liên quan có đưa ra quy định cụ thể về các loại tài sản bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Tóm lược thành 4 nhóm tài sản chủ yếu như sau: tài sản công; tài sản thi hành án; tài sản bảo đảm; và tài sản của doanh nghiệp phá sản. Cụ thể các tài sản trong 4 nhóm này như sau:
(1) Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
(2) Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật.
(3) Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
(4) Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
(5) Tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
(6) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
(7) Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
(8) Tài sản cố định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
(9) Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
(10) Tài sản hạ tầng đường bộ và quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
(11) Tài sản là quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
(12) Tài sản là quyền sử dụng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
(13) Tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
(14) Tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
(15) Tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Ngoài 4 nhóm tài sản bắt buộc phải tham gia đấu giá ở trên thì các cá nhân, tổ chức có nhu cầu bán đấu giá tài sản vẫn có thể được bán thông qua đấu giá khi chủ sở hữu đó tự nguyện bán thông qua trình tự, thủ tục đấu giá theo đúng quy định luật đấu giá tài sản.