Quy trình thủ tục đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng.

29/12/2022 - 06:27 PM - 44 lượt xem
Trong một số trường hợp người thế chấp tài sản không đủ khả năng trả nợ nên ngân hàng sẽ tiến hành đấu giá tài sản đã thế chấp để thu hồi vốn. Vậy quy trình thủ tục đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây!

Thế chấp tài sản ngân hàng là gì?

Về phương diện ngữ nghĩa, thế chấp tài sản là việc một bên dùng một tài sản để thay thế, chấp hành một nghĩa vụ trước đó. Thế chấp tài sản ngân hàng là việc một bên dùng tài sản của họ đem ra đảm bảo, thế chấp để vay tiền hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác tại ngân hàng.

Quy trình thủ tục đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 5, Luật Đấu giá 2016 quy định:

“Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”

Quy trình đấu giá tài sản thế chấp ngân hàng được thực hiện như sau:

Bước 1: Thực hiện đấu giá với tài sản thế chấp
 
Sau khi ngân hàng thu hồi tài sản của người thế chấp, đầu tiên ngân hàng cần thuê đơn vị thẩm định giá tài sản để thẩm định lại giá trị tài sản mà ngân hàng đã thu giữ để làm cơ sở cho việc bán đấu giá tài sản.

Sau đó ngân hàng sẽ tiến hành ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá tài sản.

Bước 2: Thông báo thông tin bán đấu giá và công bố giá khởi điểm

 Hoàn thành bước 1, tiếp theo ngân hàng sẽ đề nghị tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá tài sản và công bố giá khởi điểm. Có 2 trường hợp niêm yết tài sản như sau:

  • Đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá; 
  • Đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá. 

Lưu ý: Khi niêm yết, ngân hàng phải yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc niêm yết các nội dung: 

  • Tên, địa chỉ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá; 
  • Tài liệu, hình ảnh về tài sản cần đấu giá; 

Bước 3: Địa điểm thực hiện đấu giá

Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức tại trụ sở của Tổ chức đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản đấu giá và Tổ chức đấu giá tài sản.

Bước 4: Đăng ký tham gia đấu giá

Theo quy định tại Điều 38, Luật Đấu giá 2016 quy định đăng ký tham gia đấu giá như sau:

  • Cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá thông qua việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá hợp lệ và tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khi tham gia đấu giá thì người tham gia đấu giá phải đáp ứng điều kiện đó. Người tham gia đấu giá có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác thay mặt mình tham gia đấu giá.
  • Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày.
  • Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.

Bước 5: Tiền đặt trước và cách xử lý khi bán đấu giá

Về nguyên tắc, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước. Thông thường, khoản tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. 

Tổ chức đấu giá tài sản tiến hành thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. 

Bước 6: Trình tự, thủ tục tại cuộc đấu giá 

1. Đầu tiên, đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá sẽ bắt đầu giới thiệu bản thân.
2. Thông báo nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản
3. Công bố danh sách người đăng ký mua tài sản bán đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá tài sản
4. Giới thiệu từng tài sản bán đấu giá và nhắc lại giá khởi điểm; 
5. Thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá; 
6. Trả lời các câu hỏi của người tham gia đấu giá; 
7. Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá tài sản trả giá. 
8. Lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá cho người trúng đấu giá theo quy định.

Hình thức đấu giá

Theo quy định tại Điều 40, Luật Đấu giá 2016 quy định:

1. Tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:

a) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
b) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
c) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;
d) Đấu giá trực tuyến.
Trich nguồn  - Tác giả: Hồ Thị Hoa Phượng

Các bài viết khác
Thông tin liên hệ
Chứng nhận bảo mật
Chấp nhận thanh toán
Fanpage Facebook
Copyright @ bản quyền thuộc về cpaauction.com.vn. Thiết kế website bởi Tất Thành
Tải ứng dụng